Các lý thuyết nghiên cứu hành vi tập thể Hành_vi_tập_thể

Lý thuyết tiêm nhiễm

Lý thuyết tiêm nhiễm do nhà xã hội học người Pháp Gustave Le Bon (1841-1931) phát triển. Lý thuyết này cho rằng trong tập thể, cá nhân mất đi nhân dạng của mình, trở thành "người máy", tác động của sự tiêm nhiễm khiến cho xúc cảm của quần chúng thay thế lý trí. Ảnh hưởng này giống như sự thôi miên của quần chúng đối với thành viên. Kiềm chế xã hội theo tiêu chuẩn có thể bị sức mạnh cộng hưởng của quần chúng lấn át và dẫn đến bạo lực, phá hoại. Lý thuyết này tỏ ra đúng trong trường hợp đám đông hỗn tạp và nổi loạn. Tuy nhiên lại có ý kiến phản biện: liệu quần chúng có thể mang cảm xúc, suy nghĩ hoàn toàn khác với từng thành viên tham gia hay không? Trong những đám đông bạo loạn giữa người da trắng và da đen chẳng hạn, hành động phân biệt chủng tộc không phải do quần chúng hình thành mà nằm sẵn trong suy nghĩ của những thành viên tham gia.

Lý thuyết hội tụ

Lý thuyết này phủ nhận quan điểm của lý thuyết tiêm nhiễm cho rằng quần chúng tạo ra suy nghĩ của bản thân nó và cho rằng sự đoàn kết của quần chúng là kết quả của một yếu tố có trước sự hình thành quần chúng. Quần chúng hình thành như là sự hội tụ của các cá nhân có chung thái độ hoặc mối quan tâm. Khi tham gia vào quần chúng, cá nhân được khuyến khích tham gia vào những hành vi mà trong hoàn cảnh bình thường bị các tiêu chuẩn xã hội kiềm chế. Các thành viên thực ra không phải bị "thôi miên" mà hành động duy lý để đạt đến mục tiêu cụ thể.

Lý thuyết tiêu chuẩn nổi bật

Còn gọi là lý thuyết quy phạm nổi bật, do Ralph Turner và Lewis Killian đưa ra, lý thuyết này không cho rằng hành vi tập thể hỗn loạn và phi lý như lý thuyết tiêm nhiễm, cũng như không duy lý như lý thuyết hội tụ. Theo lý thuyết này, ở những loại hình quần chúng không ổn định như quần chúng biểu cảm, hành động và phản đối, khuynh hướng tiêu chuẩn mơ hồ đến mức tiêu chuẩn định hướng hành vi trở nên nổi bật trong tình huống này. Tiêu chuẩn định hướng có thể do một vài người đứng đầu đưa ra và nhanh chóng được những người khác chấp nhận. Ví dụ: một vài người trong đám đông tức giận ném gạch đá vào các cửa kính thì một vụ phá hoại rất có thể sẽ xảy ra khi những người khác lập tức làm theo.

Các lý thuyết về phong trào xã hội

Biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, hành động của một phong trào xã hội tại Mỹ thời kỳ đó

Bốn lý thuyết đáng chú ý dưới đây phân tích các yếu tố khác nhau của sự hình thành phong trào xã hội với những cách tiếp cận khác nhau.

  • Lý thuyết tước đoạt: lý thuyết này cho rằng phong trào xã hội phát sinh khi nhiều người cảm thấy rằng họ bị tước đoạt những gì cần thiết đối với hạnh phúc của mình. Nhũng thứ đó có thể là quyền lợi kinh tế, quyền lợi chính trị, giá trị xã hội...Do vậy họ tham gia vào các phong tròa xã hội nhằm giành được những gì mà họ cho là công bằng hơn. Theo Karl Marx, công nhân bị bóc lột, tước đoạt sẽ tổ chức chống lại chủ nghĩa tư bản. Cần lưu ý rằng, sự tước đoạt có ý nghĩa tương đối, không hàm ý số tiền hay quyền lực thực tế mà nó là sự bất lợi trên cơ sở so sánh với người khác hoặc so với tiêu chuẩn.
  • Lý thuyết xã hội đại chúng: của giáo sư xã hội học Mỹ William Kornhauser (1925-2004), cho rằng phong trào xã hội hình thành bởi những người bị cô lập xã hội, mất ý nghĩa cá nhân trong xã hội rộng lớn, phức tạp. Trong tình trạng đó, việc tham gia phong trào xã hội mang lại cho cuộc sống của họ ý nghĩa. Tuy nhiên, lý thuyết này thiên về động cơ tâm lý, xem nhẹ mục tiêu thay đổi xã hội của các phong trào.
  • Lý thuyết căng thẳng cấu trúc: do Neil Smelser phát triển, lý thuyết này nhận diện sáu yếu tố để phong trào xã hội phát triển, những yếu tố này hiện diện càng nhiều thì phong trào xã hội càng dễ nảy sinh. Sáu yếu tố đó là: cấu trúc nội tại của xã hội đưa đến các vấn đề xã hội (ví dụ: phong trào chống vũ khí hạt nhân xuất hiện do nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân); sự căng thẳng của cấu trúc xã hội (ví dụ: mâu thuẫn giữa trách nhiệm của chính phủ là đảm bảo an toàn cho công dân với chính sách chạy đua vũ trang); các phát biểu, phân tích về vấn đề xã hội; các nhân tố thúc đẩy (ví dụ một sự kiện nổi bật nào đó xảy ra); sự động viên hành động (ví dụ các tổ chức nhóm họp, rải truyền đơn...) và cuối cùng tình trạng thiếu kiểm soát xã hội.
  • Lý thuyết huy động nguồn lực: chỉ ra điều kiện cần thiết để phong trào xã hội hình thành và phát triển là khả năng huy động được các nguồn lực. Nguồn lực ở đây bao gồm nguồn lực tài chính, con người, điều kiện thông tin, tiếp xúc xã hội với những người có thế lực và phương tiện truyền thông đại chúng, hình ảnh trong công chúng....